Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dự hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, cách đây 78 năm, ngày 9.11.1946 đã đi vào lịch sử, như là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - ngày Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới ban hành bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!
Tư tưởng độc lập tự do dân tộc trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khẳng định bằng Hiến pháp năm 1946 và ngày 9.11 hằng năm được ghi nhận là Ngày Pháp luật Việt Nam kể từ ngày 1.1.2013 - khi Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật có hiệu lực. Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, khơi dậy trong mọi công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình trong việc tham gia tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội.
Đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, liên tục trong nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và hiện nay là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là 1 trong 3 đột phá chiến lược luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo dựng hệ thống khung khổ pháp luật ngày càng hoàn thiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương những cố gắng và kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ những người đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện nhiệm vụ pháp chế trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tinh thần đó thấm nhuần trong toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ làm công tác pháp chế lại càng trở thành một yêu cầu thường trực, bức thiết trong việc tổ chức nghiên cứu, chủ động đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, công tác truyền thông, tiếp thị các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị thuộc Bộ làm tốt một số nhiệm vụ.
Một là, nghiêm túc quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan một số điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế về thể chế và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 868/TTg-TKBT ngày 25.10.2024 về việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV; Văn bản số 15/CTQH ngày 29.10.2024 của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Hai là, tập trung thực hiện tốt kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Ba là, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, quản lý không cứng nhắc, không tồn tại tư duy “không quản được thì cấm”; đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bốn là, đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiêm túc tuân thủ đúng và đầy đủ quy định, quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời rà soát, đánh giá hoàn thiện quy trình lập đề nghị, đề xuất, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chương trình được đề ra. Hoạt động xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, có tính ổn định, có giá trị lâu dài, đúng thẩm quyền. Quy định phải rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác…
Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Bộ và các địa phương, giữa Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trong quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ, nâng cao năng lực thực thi; Những việc đơn vị thuộc Bộ, địa phương làm tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho đơn vị thuộc Bộ, địa phương để Bộ tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô; cải cách triệt để thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cải tiến các dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý của Bộ ngày càng thuận tiện, thông suốt, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Sáu là, tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp của Ngành, các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật, tạo sự đồng thuận, niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi và nghe Tiến sỹ Vũ Hoài Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền giới thiệu chuyên đề: Kỹ năng xây dựng, truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguồn tin: Tin và ảnh Lâm Hiển
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn