Trung tâm Công nghệ Sinh học và những kết quả nghiên cứu mới nhất
- Thứ năm - 15/07/2021 22:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa Đất nước và phát triển đa dạng các ngành nghề trong chương trình đào tạo của trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang. Tháng 1 năm 2014 Trung tâm Công nghệ sinh học trực thuộc Khoa Nông học được thành lập. Hiện nay, Trung tâm có 10 cán bộ, giảng viên trong đó có 1 Tiến sĩ, 2 Nghiên cứu sinh, 7 Thạc sĩ. Trung tâm có nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập. Tổ chức quá trình đào tạo và các hoạt động giáo dục trong chương trình. Xây dựng kế hoạch giảng dạy các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học. Tổ chức biên soạn giáo trình, bài giảng, cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập…
Toàn cảnh phòng nuôi cấy mô
Ngay từ những ngày đầu được thành lập đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Trung tâm Công nghệ sinh học đã bắt tay vào xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu tại phòng nuôi cấy mô. Đã có 4 đề tài được duyệt bao gồm: 01 đề tài cơ sở cấp bộ: Nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố đến hệ số nhân giống hoa lan bằng phương pháp Invitro; 02 đề tài cấp trường: Nhân nhanh giống hoa cúc Chrysanthemun indicum L bằng kỹ thuật In vitro và Chọn dòng cẩm chướng gấm (Dianthus chinensis L) đa bội bằng xử lý colchicine In vitro; 01 đề tài cấp trường dành cho sinh viên đó là: Nhân nhanh giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp In vitro.
ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học hướng dẫn sinh viên kiểm tra các mẫu mô Chuối tiêu hồng
Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường Trung tâm đã được đầu tư trang bị hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ cho 3 lĩnh vực công tác nghiên cứu khoa học đó là: Nuôi cấy mô tế bào, Sinh học phân tử và Công nghệ vi sinh.
TS. Nguyễn Thị Xuyến – Giảng viên Trung tâm Công nghệ sinh học đang vận hành hệ thống lò lên men
Phòng Nuôi cấy mô tế bào có các thiết bị được đầu tư mới như: Nồi hấp khử trùng tự động; Máy đo pH (PH meter); Máy lắc (shaker); Máy ly tâm lắng mẫu nhanh; Thiết bị lọc nước siêu sạch (Water purification system)…. Phòng sinh học phân tử được đầu tư mới toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị như: Máy điện di đứng và bộ nguồn (electrophoresis system); Bộ điện di ngang ( Electrophoresis System); Máy chụp ảnh gel (Imaging system); Máy ly tâm lạnh cho ống eppendorf; Máy nhân gen; Máy quang phổ tử ngoại khả kiến (spectrometer); Máy Vortex.... Phòng vi sinh với hệ thống máy móc thiết bị như: Máy đếm khuẩn lạc (Colony counter); Máy đo nồng độ tế bào (Densitometer); Máy khuấy từ gia nhiệt (Magnetic stirrer); Máy lắc ổn nhiệt (Shaker incubator); Máy ly tâm lạnh tốc độ cao (High speed refrigerated centrifuge); Nồi lên men (fermenter); Bình đựng Nitơ lỏng; Hệ thống ELISA; Micro Pipette...
ThS. Nguyễn Thị Chuyên – Giảng viên Trung tâm Công nghệ sinh học hướng dẫn sinh viên tách các mẫu mô trong phòng vô trùng
Đến nay, sau 8 tháng nâng cấp phòng thí nghiệm và tiếp nhận thiết bị mới, Trung tâm đã tập trung cao độ cho việc khử trùng phòng, các đề tài đã thực hiện vào mẫu cấy và đang nhân nhanh. Cho tới nay diện tích trong phòng nuôi cơ bản đã được phủ xanh. Từ khi thành lập và triển khai các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, các cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa đã được sử dụng máy móc thiết bị hiện đại để thực hiện các học phần liên quan như: nuôi cấy mô, sinh học phân tử, công nghệ gen, công nghệ Enzyme - Protein, công nghệ chọn tạo giống cây trồng, công nghệ vi sinh…. Đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành, thực tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong và ngoài Khoa.
ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn đang kiểm tra tốc độ sinh trưởng của mẫu Cẩm chướng gấm trong
phòng nuôi cấy mô
Với số lượng mẫu đang được nuôi cấy tại Trung tâm như: Chuối tiêu hồng, Hoa cúc, Hoa lan… trong tháng 12/2014 cây in vitro sẽ ra rễ và được chuyển ra thích ứng tại nhà lưới trong điều kiện tự nhiên. Trung tâm tiếp tục duy trì các hoạt động của giảng viên và sinh viên trong phòng thí nghiệm, tập trung tổ chức tốt việc thực tập các học phần trên toàn bộ hệ thống thiết bị mới.
ThS. Nguyễn Thị Thúy Liên – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học tiến hành nhân giống các mẫu
hoa cúc
Với các kết quả đã đạt được tập thể cán bộ, giảng viên của Trung tâm tiếp tục mở rộng nghiên cứu và sản xuất nuôi cấy mô các loại cây có giá trị kinh tế cao, sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu cây giống cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Trong thời gian tới Trung tâm Công nghệ sinh học sẽ lập kế hoạch trình Ban giám hiệu mở lớp học cấp chứng chỉ về nuôi cấy mô tế bào cho sinh viên trong trường có nhu cầu học tập.