Mô hình rau an toàn góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng

Thứ sáu - 14/10/2016 16:59

Trước thực trạng báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và bản thân. Nắm bắt được nhu cầu đó, từ đầu năm 2016 Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Nông – Lâm nghiệp (Trung tâm NCƯD &CGCNN-LN) đã dành trên 1 ha đất nông nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn. Mô hình đã được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất và sơ chế sản phẩm Rau”.

Như thế nào được gọi là “Rau an toàn”? Đây là câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra khi lựa chọn mua các sản phẩm rau, củ, quả trên thị trường. Theo Thông tư 59/2012 của Bộ Nông nghiệp & PTNT Quy định về quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn thì “Rau, quả an toàn là sản phẩm rau, quả tươi được sản xuất, sơ chế, chế biến phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hoặc phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; hoặc phù hợp với các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm có trong quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn VietGAP, các tiêu chuẩn GAP khác và mẫu điển hình đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định, thì được gọi là “Rau an toàn”. ”

Với trên 1ha đất nông nghiệp, Trung tâm NCƯD &CGCNN-LN đã xây dựng mô hình trồng rau an toàn với đa dạng các loại rau, quả như mướp, dưa lê, dưa chuột, đỗ, bí đỏ, bí xanh, rau ngót, rau muống và các loại rau gia vị… Áp dụng phương thức trồng rau an toàn, Trung tâm đã thực hiện gieo trồng với mật độ thích hợp, chất lượng được quản lý chặt chẽ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại và xen canh với cây trồng khác họ nhằm xua đuổi sâu hại trên các cây rau họ thập tự (các loại cây họ cải). Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học như: hạt củ đậu, chất chiết từ tỏi, gừng, ớt, các chế phẩm thảo mộc, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc vi sinh để phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, đến khi thu hoạch cây trồng đạt năng suất cao và đặc biệt an toàn cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, tùy vào đặc tính của mỗi loại cây trồng Trung tâm đã áp dụng hệ thống tưới nước tự động như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương giúp đảm bảo độ ẩm của đất và giảm 30% – 40% chi phí công lao động so với phương thức canh tác cũ. Trên cùng một đơn vị diện tích cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tiến hành thâm canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng khác nhau góp phần tăng giá trị sử dụng đất và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

TS. Đỗ Thành Trung - Cán bộ Trung tâm NCƯD &CGCNN-LN là người trực tiếp phụ trách mô hình sản xuất rau an toàn cho biết: “Đây là năm đầu tiên mô hình đi vào hoạt động, hiện nay các sản phẩm làm ra chỉ đủ cung ứng cho cán bộ - giảng viên trong trường, người dân xung quanh và một số bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xây dựng mô hình thành một điểm cung ứng rau an toàn công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái. Khi đó người tiêu dùng có thể thăm quan và tự mình thu hái những nông sản tại ruộng.”

Với nhu cầu sử dụng rau an toàn trên thị trường hiện nay rất cao thì mô hình rau an toàn của Trung tâm không thể đáp ứng sản lượng trong thời gian dài. Vì vậy, Trung tâm sẽ phối hợp với địa phương xây dựng các vùng rau an toàn. Theo đó người dân sẽ trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng của mình, cán bộ Trung tâm sẽ phụ trách kỹ thuật, giám sát trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Bên cạnh ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường cũng như lợi ích về mặt kinh tế, mô hình rau an toàn của Trung tâm NCƯD &CGCNN-LN còn là địa chỉ để sinh viên Khoa Nông học và sinh viên trong toàn trường đến tham quan học tập và rèn luyện tay nghề. Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới mô hình rau an toàn của Trung tâm NCƯD &CGCNN-LN sẽ ngày càng phát triển và là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Việt Yên và các vùng lân cận.

Một số hình ảnh mô hình rau an toàn và các sản phẩm rau an toàn

 

 

 

 

 

 

 

Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu thăm quan, chuyển giao kỹ thuật về mô hình trồng rau an toàn, xin liên hệ:

TS. Đỗ Thành Trung

Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Nông – Lâm nghiệp

Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang

Điện thoại: 0989 241 596

Số cố định: 02403 840 288 – Email: rat@bafu.edu.vn

* Bài viết hưởng ứng ngày môi trường Thế giới 5/6/2016

Trần Trang (TTTT-TV)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT
dfdfsfsdf
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây