Những năm gần đây, canh tác nông nghiệp nước ta sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá ngưỡng cho phép đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và động vật. Gây nên ô nhiễm môi trường và tồn đọng hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu trên rất nhiều nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất. Bước đầu xây dựng được những vùng sản xuất rau an toàn như mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ. Trong đó việc sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc BVTV và làm phân bón sinh học được đặc biệt quan tâm. Đề tài : “Ảnh hưởng của việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA thảo dược đến giống cà chua Savior ở xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang” của Ths. Hoàng Thị Mai – Khoa Nông học được đánh giá có tính ứng dụng vào thực tế sản xuất hiện nay. Đề tài được thực hiện từ tháng 2/2013 đến hết tháng 8/2013.
Ruộng sản xuất cà chua Savior tại Hoàng Ninh, Việt Yên.
Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA thảo dược là tổng hợp của các chủng vi sinh vật có ích như: Vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn nấm mốc ... sống cộng sinh trong cùng môi trường. Được sử dụng trong việc cải tạo đất, hạn chế các loại sâu, bệnh do vi khuẩn gây ra và làm phân bón qua lá. Hiện nay, đã có một số nghiên cứu sử dụng chế phẩm EMINA thảo dược trên cây trồng như đậu đũa, rau dền, mùng tơi, khoai tây, cây lạc, cây cải ngọt, đều cho kết quả khả quan. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA thảo dược đã được thực hiện, nhưng ứng dụng chế phẩm này trong sản xuất cà chua chưa được quan tâm nhiều. Do đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của chế phẩm EMINA thảo dược đến giống cà chua Savior sẽ xác định được nồng độ, tần suất phun chế phẩm EMINA thảo dược thích hợp cho phòng trừ sâu, bệnh và sự sinh trưởng phát triển cây. Từ đó đánh giá được hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA thảo dược.
Vật liệu nghiên cứu là: Chế phẩm EMINA thảo dược. Cách tạo chế phẩm EMINA thảo dược: Từ 1 lít EMINA gốc + 1 lít gỉ đường (hay 1 kg đường đỏ) + 1 lít cồn 350 + 1 lít dấm ăn + 1 kg hỗn hợp gừng, giềng, tỏi, ớt + 6 lít nước. Hỗn hợp ủ 15 ngày sau đó đem phun cho cây cà chua. Lấy 1ml dung dịch trong hỗn hợp sau ủ hòa trong 1 lít nước rồi đem phun đẫm cho cây, cứ 10 – 15 ngày phun 1 lần, phun vào chiều tối hay sang sớm (tránh phun vào cây đang ở giai đoạn ra hoa). Đặc biệt hiệu quả rất cao với cây trồng khi chúng ta phun cho cây dung dịch gồm: 1ml EMINA thứ cấp + 1ml EMINA thảo dược + 1 lít nước.
Cà chua thu được từ ruộng thí nghiệm.
Các thí nghiệm của đề tài được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn với 3 lần nhắc lại. Đối chứng là ruộng cà chua không sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA thảo dược. Diện tích ô thí nghiệm: 30m2, diện tích ruộng thí nghiệm: 360m2
Thí nghiệm 1: Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ phun chế phẩm EMINA thảo dược đến sinh trưởng, phát triển và khả năng xua đuổi côn trùng trên giống cà chua Savior.
Thí nghiệm 2: Nghiên cứu ảnh hưởng của tần suất phun chế phẩm EMINA thảo dược đến sự sinh trưởng phát triển và khả năng xua đuổi côn trùng trên giống cà chua Savior.
Từ kết quả nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và khả năng chống chịu sâu, bệnh hại của chế phẩm EMINA thảo dược đến giống cà chua Savior nghiên cứu đã rút ra một số kết luận sau:
Khi phun chế phẩm EMINA thảo dược với nồng độ 3% trên cây cà chua thì cây sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất thực thu cao (61,05 kg/ô). Đặc biệt các yếu tố cấu thành năng suất như tỷ lệ đậu quả (48.13%) và khả năng chống chịu sâu, bệnh hại trong điều kiện vụ Xuân hè ở phía Bắc nước ta.
Khi phun chế phẩm EMINA thảo dược với tần suất 10 ngày/lần trên giống cà chua Savior thì cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao (68,30 kg/ô). Bên cạnh đó chế phẩm còn có khả năng xua đuổi côn trùng hạn chế bệnh hại trên cây cà chua.
Những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, cần có những nghiên cứu tiếp theo về việc sử dụng chế phẩm EMINA thảo dược theo dõi tiếp ở các thời điểm khác nhau để có kết luận đầy đủ hơn. Nghiên cứu tiếp ảnh hưởng của chế phẩm EMINA thảo dược ảnh hưởng sức nảy mầm, sự sinh trưởng, phát triển và năng suất ở các vụ khác để hoàn thiện quy trình sản xuất cà chua theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn: Báo cáo nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường của Ths. Hoàng Thị Mai – Khoa Nông học.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn